Địa điểm

Bót Cầu Định (phường Tân Định, thị xã Bến Cát)

2021-02-05 11:48:16
Bót Cầu Định là một di tích lịch sử, ghi lại tội ác của thực dân Pháp, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân vùng đất Thủ Dầu Một trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí Ngô Chí Quốc được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bót Cầu Định đã được tỉnh Bình Dương quyết định công nhận làditích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 26-6-2004.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp tiếp tục quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng mở hàng loạt các cuộc hành quân, càn quét, đánh chiếm rất ác liệt, nhằm thực hiện chính sách ba sạch của chúng (đốt sạch, phá sạch, giết sạch), gây ra nhiều vụ bắn giết đồng bào ta một cách tàn bạo.Trong đó, có vùng đất thủ Dầu Một (Bình Dương), sau khi tái chiếm được vùng đất này, để thực hiện âm mưu bình định của chúng, thực dân Pháp cho xây dựng hàng loạt các tháp canh, đồn bót trên các ngả đường giao thông.

z3066244053315_f3883e9e4b1277b3acbb59f3fa495eac.jpg 441.37 KB

Bót Cầu Định là một trong những bót điển hình, có vị trí quan trọng chốt dữ quốc lộ 13 và cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. Bót nằm trên quốc lộ 13 thuộc địa phận ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, thực dân Pháp xây dựng vào tháng 4-1946, nằm trên đồi gò cao khoảng 10m (so với quốc lộ 13) phía dưới có giao thông hào sâu khoảng 2m bao xung quanh gò đồi. Trên đỉnh đồi gò có 3 lô cốt cao ở ba góc (hình tam giác) có 12 ụ quan sát và chiến đấu, lô cốt có hình tròn đường kính khoảng 6m, mỗi lô cốt có 4 ụ quan sát, dưới đồi có 4 ụ kẽm gai được gài mìn bảo vệ xung quanh. Sau khi xây dựng bót Cầu Định, thực dân Pháp đưa quân càn quét hai bên quốc lộ 13, lộ 2 bắn chết trâu bò, bắt người đem bắn thả xuống sông ở cầu Ông Cộ. Chúng còn đưa lính đi ruồng ra Định Phước bắt ông Sáu Trùng, Bảy tiệm là tự vệ đội đưa về bót đánh đập rất dã man, hai ông này không khai, biết không khai thác được gì, chúng đem bắn chết. Sau đó còn bắn anh Bảo, anh Phàn định Phước và nhiều người dân vô tội khác...

Đầu năm 1947, chúng đổi tên sếp Rẩy đi nơi khác và đưa sếp Chữ về bót Cầu Định, tên này rất ác ôn, thâm độc, y thường đưa lính đi ruồng kích truy tìm lực lượng của ta, chúng còn bắt phụ nữ đem về giam cầm và hãm hiếp rất dã man. Đứng trước tình hình đó, ngày 30-4-1947 xã Tân Định tổ chức họp dân quân chánh ở đình Cầu Định, đề ra nghị quyết tập trung củng cố lại các tổ chức, chuẩn bị các đoàn thể, mặt trận, ủy ban kháng chiến xã, tự vệ xã 1 tiểu đội, mỗi ấp 1 tiểu đội, dân quân có từ 2 đến 3 trung đội. Các đội tự vệ tổ chức canh gác, quấy rối địch, đưa phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh hơn. Đúng một tháng sau, khi xã đang chuẩn bị họp dân quân chánh một lần nữa thì tên Chữ- Trưởng bót cầu Định cho lính bắt đồng chí ÚT Miết (đồng chí Út Miết bí danh Nguyễn Minh Mật, người thầy giáo hoạt động cách mạng, truyền bá chữ quốc ngữ từ những năm trước Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, người đoàn trưởng thanh niên từ những ngày đầu mới thành lập) nên cuộc họp đình lại, để lo biện pháp chống địch khủng bố. Bắt được đồng chí Út Miết địch đưa về bót đánh đập rất tàn nhẫn nhưng không khai thác được gì' chúng chuyển về nhà giam Thủ Dầu Một tra tấn tiếp, đồng chí vẫn không khai. Sau đó, chúng đưa lên cầu Ông Cộ xử bắn để tuyên truyền khủng bố tinh thần của nhân dân. Khi xe chạy đến gần suối Cạn, đồng chí nhảy xuống, bọn địch đồng loạt nổ súng bắn theo. Đồng chí Út Miết đã anh dũng hy sinh trước họng súng tàn bạo của kẻ thù.

z3066244051768_9e9fea914ad226af55f03ef6a7119504.jpg 275.81 KB

Đến năm 1949, địch tập trung càn quét khủng bố ngày càng mạnh hơn với quy mô đại đội, tiểu đoàn vào Truông Bồng Bông, Định Phước, Cầu Định... Chúng tăng cường bảo vệ các tuyến giao thông, rải quân gác trên các tuyến đường số 2, quốc lộ 13 để cho các đoàn xe của chúng vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm đi tiếp tể cho những nơi đóng quân của địch. Trong thởi gian này, lực lượng vũ trang của ta tiếp tục dấy lên phong trào ''luyện quân lập công'' mạnh mẽ hơn. Quận ủy Bến Cát chủ trương rút du kích xã, lập đội du kích liên xã, đội du kích liên xã tổ chức đánh và phá hoại liên tục trên quốc lộ 13, lộ số2, làm tiêu hao trì trệ các hoạt động càn quét truy lùng của địch. Lúc này, bọn lính các bót cũng rất sợ lực lượngvũtrang củatachặn đánh trên các con đường 13, đường số2. Cho nên chúng bắt nhân dân ta phải đi làm ''xâu'' phát quang hai bên đường, lợi dụng lúc địch tổ chức làm xâu, quân báo của ta đưa một tổ có đồng chí Út Nhu giả dân đi làm xâu, phát chồi chém chết tên sếp Huế ở xóm Chùa (Thới Hòa). Tên sếp Huế đền tội, quần chúng nhân dân rất phấn khởi, bọn lính Cao Đài ở bót Cầu Định cũng co lại, ta có thuận lợi tích cực dấy lên mạnh công tác địch ngụy vận.

Năm 1951, thực dân Pháp đưa một đại đội lính Au Phi về đóng giữ bót Cầu Định, chúng tập trung hành quân gom dân, buộc dân chúng phải đi khai lý lịch xin giấy “Laisset passe” (giấy thông hành) để kiểm soát dân, chúng tuyên truyền: Nếu ai có giấy của địch cấp khi bót bắt không bị giết, ai không có giấy bị địch bắt sẽ bị giết hoặc bị bắt đi tù. Đồng thời, chúng thực hiện chiến tranh tâm lý kêu gọi chiêu hàng cán bộ ta, đưa do thám gián điệp vào vận động, lôi kéo một số cán bộ, chiến sĩ của ta ra đầu hàng theo chúng.

Đầu năm 1952, chúng đồi bọn lính Ma-rốc ở bót Cầu Định để đưa về một đại đội Com-măng-đô do Trung úy Hằng chỉ huy. Bọn này rất hiếu chiến, chúng tổ chức hành quân đánh phá liên tục ở Cầu Định, Bưng Đĩa, chúng bỏ bót cũ xây bót mới trên đồi cao đất Ba rê. Biết được tình hình của địch, các đồng chí Hai Phê, Tư Búp, Năm Bôn đem mìn, lựu đạn đánh xe ủi, xe cạp đất, gài trái đánh tiêu hao địch tại bót, đưa du kích đánh phá mạnh trên quốc lộ 13, lộ 2 vào sát đồn địch.

Bước vào Đông Xuân năm 1953-1954, bọn địch tăng cường đánh phá vùng kháng chiến bằng biệt kích của tiểu khu và chi khu. Đồng thời, địch có chủ trương ngăn chặn đánh phá đường vận chuyển của kháng chiến thường đi qua các xã Thới Hòa, Tân Định để về các căn cứ lõm của các xã và căn cứ quận... Để tăng cường lực lượng thực hiện âm mưu này, thực dân Pháp lập đại đội 752 trực thuộc tiểu khu gồm đa số là những người kháng chiến ra đầu hàng chúng. Đại đội có 147 tên do tên Một Dõng làm đại đội trưởng, đưa về đóng ở bót Cầu Định.

Sau khi về đóng giữ ở bót Cầu Định, tên Một Dõng củng cố xây dựng lại bót rất kiên cố, để đối phó với cách đánh ''đặc công'' bằng bộc phá của ta, chúng củng cố 5 hàng rào, hào chông, bề thành lô cốt làm bằng bê tông cốt sắt, dày từ 0,6 đến 1,2m. Đứng trước tình hình này, chính quyền cách mạng của ta lên kế hoạch đánh Bót Cầu Định, do Tỉnh ủy Thủ Biên trực tiếp chỉ đạo thành lập ban chỉ huy để thống nhất chỉ huy trận đánh. Sau gần một tháng nghiên cứu chuẩn bị chiến trường, Đại đội 65 Tiểu đoàn 303 phối hợp với hai đại đội địa phương huyện Bến Cát, Châu Thành dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó Tạ Minh Khâmvàchính trị viên Nguyễn Như phong (Huyện đội trưởng Châu Thành) quyết tâm tiêu diệt bót Cầu Định.

Khó khăn lớn nhất của ta là Bót Cầu Định do thực dân Pháp xây dựng rất kiên cố, tên Một Dõng là D phó D320 của ta ra đầu hàng làm tay sai cho địch. Biết cách đánh của ta, nên chúng bố trí 5 hàng rào chống đạn lửa, bên dưới là bãi ma có gài lựu đạn và gắn mìn theo hàng rào, chúng câu dây vào trong, khi quân ta vào chúng châm điện cho trái nổ. Gần trong bờ thành có đào hào xung quanh, dưới hào có cắm chông, bở thành hình tam giác, mỗi góc tam giác có lô cốt mẹ, từ lô cốt góc này qua lô cốt góc kia có 6 lô cốt con, chúng xây theo bờ thành phía trong là 18 phòng, cho 18 lính canh gác của 18 lô cốt con. Ở 3 lô cốt mẹ có gắn trung liên, lô cốt phía Tây có một thiết giáp và ca-nông 40 ly. Chính giữa đồn có tua Rơ-ny lớn 3 tầng tầng dưới chứa súng đạn, tầng giữa điện đài tầng trên là tên Một Dõng cùng 1A biệt kích, trên nóc có gắn một nồi đồng thiết giáp, có một đại liên, một khẩu súng 37 ly, cóp đèn pha chiếu sáng, mỗi góc lô cốt lớn cũng có một đèn pha. Đêm 31-5 rạng ngày 1-6-1954, sự phối hợp giữa ''nội công ngoại kích ''Đại đội 65, Tiểu đoàn 303 của ta tấn công vào mở cửa, một tiểu đội trinh sát đặc công do đồng chí Ngô Chí Quốc chỉ đạo tấn công ở phía Đông mở cửa cho xung kích vào trung tâm. Khi đánh vào hàng rào thứ ba thì bộc phá hết, nhưng vẫn còn vướng 2 khung hàng rào mái nhà, đồng chí Ngô Chí Quốc liền bò lên dùng kéo cắt một đầu hàng rào rồi nhanh nhẹn xông lên kéo tung hàng rào cho bộ đội ta tiến vào, lúc này địch bắn mạnh mở đường ra, đồng chí Quốc bị thương nặng nên ngã xuống, xung kích vẫn chưa vào được trong bót. Trước hỏa lực ác liệt của địch, đồng chí giao súng cho người khác rồi lăn ra chệch qua hướng khác và hô lớn ''xung phong'', quân địch tưởng ta chuyển hướng nên tập trung bắn hỏa lực về phía có tiếng hô lớn. Đồng chí Ngô Chí Quốc đã anh dũng hy sinh nhưng đơn vị đã tiến vào tấn công bót Cầu Định. Sau hơn 3 giờ chiến đấu quyết liệt quân ta đã tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch, thu toàn bộ vũ khí. Tiêu diệt được bót Cầu Định, xóa sổ đại đội Com-măng-đô 752 hung hãn khét tiếng trong vùng. Tiểu đoàn 303 - tỉnh Thủ Biên cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện, xã góp một chiến thắng oanh liệt vào trang sử vẻ vang của miền Đông Nam bộ. Chiến thắng bót Cầu Định đã khẳng định sức mạnh quân sự của quân và dân ta góp một phần nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.

z3066244017567_b9c19b8625189668451d201208b8d08e.jpg 419.12 KB

Với mục đích của thực dân Pháp xây dựng bót cầu Định nhằm thực hiện chính sách khủng bố, đàn áp, bắn giết đồng bào ta với ý đồ của chúng là răn đe, hòng dập tắt các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. Hành động độc ác, man rợ của chúng thực hiện từ năm 1946 đến cuối năm 1953, gây biết bao thảm cảnh đau thương, tang tóc cho người dân ở vùng Bến Cát và đặc biệt là bà con ở xã Tân Định.

Bót Cầu Định là một di tích lịch sử, ghi lại tội ác của thực dân Pháp, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân vùng đất Thủ Dầu Một trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí Ngô Chí Quốc được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bót Cầu Định đã được tỉnh Bình Dương quyết định công nhận làditích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 26-6-2004.