V/v khẩn trương rà soát, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường
I. Liên quan đến nội dung giấy phép môi trường, đăng ký môi trường
Điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành”.
Do đó, đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rà soát lại tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư (được quy định tại Điều 28 của Luật Bảo vệ môi trường), đồng thời rà soát thẩm quyền cấp giấy phép môi trường được quy định tại Điều 41 của Luật Bảo vệ môi trường để trình cấp thẩm quyền đúng quy định.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc trường hợp đăng ký môi trường cấp xã gồm các cơ sở không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường (Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường) và không thuộc đối tượng được miễn đăng ký môi trường được quy định tại Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường.
Kể từ ngày 01/01/2025, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường, theo quy định tại Điều 14 Nghị định 45/2022/NĐ-CP sẽ bị xử phạt như sau:
- Hình thức phạt chính:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến cao nhất là 30.000.000 đồng (cá nhân) và từ 6.000.000 đồng đến cao nhất là 60.000.000 đồng (tổ chức) đối với hành vi không đăng ký môi trường theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến cao nhất là 220.000.000 đồng (cá nhân) và từ 60.000.000 đồng đến cao nhất là 440.000.000 đồng (tổ chức) đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định.
Ngoài hình thức phạt chính nói trên, còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung “Đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng”.
II.Liên quan đến báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Khoản 1, Điều 119 Luật Bảo vệ môi trường quy định “Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm lập và gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Kỳ báo cáo, nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại khoản 2, khoản 3 Điều 119 Luật Bảo vệ môi trường.
Trường hợp chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không lập báo cáo, báo cáo không đúng, không đầy đủ hoặc không gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân và 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, được quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ Quy định về xử phạt vị phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.