Khu địa đạo tiếp giáp với các nơi: phía Đông giáp các thị trấn Mỹ Phước, Thới Hòa, Tân Định, phía Tây giáp sông Sài Gòn, phía Nam giáp xã Tân An (Thủ Dầu Một), phía Bắc giáp xã An Lập, Long Nguyên (Bến Cát), và đây cũng chính là cái nôi của vùng “Tam giác sắt”.
Tên “Tam giác sắt” đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược trước đây. Nhưng cũng không ít người chưa có dịp dù chỉ một lần đến nơi này. Ngày nay, nhiều người hiểu “Tam giác sắt” rất khác nhau. Có người cho rằng “Tam giác sắt” là vùng Tây Nam Bến Cát, cũng có người cho rằng nó bao gồm phần đất Tây Nam Bến Cát - Dầu Tiếng - Long Nguyên. Rộng hơn nữa, có người cho rằng nó kéo dài từ Long Nguyên (Bến Cát) - Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh). Tất cả đều đúng, vì địa danh “Tam giác sắt” cùng phát triển theo bước phát triển của cuộc chiến tranh. Duy chỉ có một điều ít ai nghĩ tới là nguồn gốc ban đầu của “Tam giác sắt” lại chính là địa bàn của 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An (3 xã Tây Nam của huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát sớm được nổi danh với chiến khu An Thành. Thuở đó, An Thành đã từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu Bộ Miền Đông, xứ Ủy Nam Bộ, Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định,… nhờ đó mà người dân địa phương sớm được giác ngộ cách mạng và đã từng đương đầu với biết bao thử thách ác liệt nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân ta.
Điều đặc biệt và lý thú là vào năm 1948, hệ thống địa đạo đầu tiên xuất hiện từ vùng đất này. Sau đó năm 1960, du kích Củ Chi đến học tập kinh nghiệm và xây dựng hệ thống địa đạo ở địa phương mình.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đã nhiều lần càn đi xát lại, nhưng chúng không khuất phục nổi lòng dân ở đây. Đến khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp chiến đấu ở Miền Nam, năm 1967 bằng đủ loại binh hùng tướng mạnh và những phương tiện giết người hiện đại nhất, chúng mở cuộc càn Ce - da - phôn (2/1-21/1967) với quy mô lớn gồm 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B.52 hòng hủy diệt mục tiêu quan trọng này. Nhưng dựa vào hệ thống địa đạo quanh co, chằng chịt, quân và dân ta lúc ẩn, lúc hiện bí mật bất ngờ mở đợt chống càn quyết liệt. Cuối cùng giặc Mỹ phải rút lui. Với sự thất bại thảm hại, 3.200 tên Mỹ ngụy bị diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi hoặc bị thương, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy… Trong trận này nổi lên anh hùng bắn tỉa: Nguyễn Văn Đực, chỉ 10 viên đạn tiêu diệt 9 tên xâm lược, hoặc Võ Thị Huynh, anh hùng lực lượng vũ trang từng lăn mình dưới làm bom đạn để chăm sóc, bảo vệ thương binh.
Sau những thất bại liên tiếp, kẻ thù đành bất lực, chúng phải gọi vùng này là vùng “Tam giác sắt” (Địa đạo Tây Nam Bến Cát).
Địa đạo Tây Nam không đơn thuần mang ý nghĩa địa danh, mà nó là biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một ”Làng ngầm” kỳ diệu. Đây là một công trình độc đáo, chỉ riêng việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang ở nơi khác để giữ bí mật địa đạo đã là chuyện vô cùng gian khổ, công phu, là biểu hiện sự đồng tâm hiệp lực của quân dân. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng.
Đường xương sống - đường chính của địa đạo cách mặt đất 4 mét. Trong đường hầm này có chiều cao 1,2m, rộng 0,8 mét. Có những đoạn được cấu trúc từ 2 đến 3 tầng, chỗ lên xuống có nắp đậy bí mật. Trong địa đạo có những nút chặt ở những điểm cần thiết, dọc theo đường hầm có lổ thông hơi ra ngoài được ngụy trang kín đáo. Chung quanh cửa hầm bí mật lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái, có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng lựu chống máy bay trực thăng đổ chụp nhằm ngăn chặn địch tới gần.
Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau chiến đấu; có nơi dự trữ vũ khí, lương thực thực phẩm, nước uống, có giếng nước, hầm nấu ăn, hầm làm việc, chỉ huy, hầm nuôi dưỡng thương binh, v.v…
Đường xương sườn (các nhánh phụ), được đào từ đường chính về các ấp. Đi liền với các nhánh phụ là các ô ụ chiến đấu. Mỗi nhánh phụ dài 1km với 3 ụ chiến đấu. Xung quanh ô ụ chiến đấu có bố trí các hầm chông, mìn được ngụy trang cẩn thận.
Với hệ thống địa đạo dài gần 100 km , khoảng 50 ô ụ chiến đấu và nhiều hầm để trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm… địa đạo Tây Nam là căn cứ địa của nhiều cơ quan và tổ chức kháng chiến, đây còn là chiến trường tiêu diệt địch tại chỗ. Từ căn cứ này, nhiều lực lượng vũ trang chủ lực làm bàn đạp xuất phát tiến công vào sào huyệt kẻ thù trong những trận đánh lớn, chiến dịch lớn. Đó là chiến dịch Lê Hồng Phong (1950); những trận phục kích đánh giao thông trên đường 14; đánh các cuộc càn “Phong hỏa”, “Át-tăng-bơ-rơ”, “Xê-đa-phôn”…
Công tác xây dựng và củng cố địa đạo ba xã Tây Nam được tiến hành nột cách toàn diện về cả chính trị, quân sự, kinh tế. Các tổ chức Đảng, Chính quyền, mặt trận đều chăm lo mọi mặt cho cuộc sống của nhân dân nơi đây. Nhờ đó, mối quan hệ quân dân luôn đoàn kết thành một khối thống nhất.
Địa đạo ba xã Tây Nam với các hoạt động của nó, đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trong suốt 20 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, địa đạo ba xã Tây Nam đã phát huy tác dụng của một địa đạo chiến. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân ba xã Tây Nam đã chiến đấu chôn vùi hàng ngàn tên giặc; bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép… Đặc biệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968, và mùa xuân năm 1975, địa đạo Tây Nam là nơi nhiều cánh quân lớn tập kết từ đây tiến đánh vào Sài Gòn, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến thắng lợi của quân dân cả nước năm 1975.