Tiếp cận thông tin

Nhận BHXH một lần - Nhiều thiệt thòi cho người lao động

2023-03-14 00:00:00
Nhận BHXH một lần là “lợi trước mắt, hại lâu dài”. Bởi lẽ, ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động (NLĐ) không được bảo lưu, đồng thời các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Thanh Nguyệt có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Khương – Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã.

z4180273164058_9602be24bb8aa8bd55f7ceccab9ae24b.jpg 210.31 KB

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết lợi ích khi tham gia BHXH?

Ông Nguyễn Trọng Khương: Lợi ích khi tham gia BHXH

+ Đối với BHXH bắt buộc gồm 5 chế độ cụ thể: chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động và bệnh ngề nghiệp, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất.

+ Đối với BHXH tự nguyện gồm 2 chế độ: chế độ hưu trí, chế độ tử tuất.

PV: Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà có yêu cầu được rút BHXH một lần thì cần những điều kiện gì thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Khương: Căn cứ theo Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì bảo hiểm xã hội là sự bù đắp một phần thu nhập dành cho người lao động khi người lao động bị ốm đau, thai sản hay bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết.

Trong đó, chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần chỉ là một trong những quyền lợi mà người tham gia BHXH được hưởng. Cụ thể là đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc người tham gia BHXH tự nguyện dừng tham gia BHXH sau 1 năm và một số trường hợp đặc biệt khác khi có yêu cầu gửi cơ quan BHXH sẽ được giải quyết hưởng chế độ BHXH 1 lần theo quy định.

PV: Như vậy, mức hưởng BHXH một lần năm 2023 được tính như thế nào?

Ông Nguyễn Trọng Khương: Tại Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Cụ thể là: “2. mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.”

Ngoài ra: Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 1 tháng đến 6 tháng tính là nửa năm, từ trên 6 tháng đến 12 tháng tính tròn 1 năm.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

PV: Hồ sơ để hưởng BHXH một lần gồm những giấy tờ gì và quy trình thực hiện ra sao thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Khương:

 Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Căn cứ Điều 109, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định hồ sơ hưởng BHXH một lần bao gồm:

1. Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính)

2. Đơn đề nghị hưởng trợ cấp BHXH 1 lần theo mẫu 14-hsb

Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

a) Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

b) Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;

c) Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

Hồ sơ rút bảo hiểm xã hội 1 lần là thủ tục quan trọng người hưởng chế độ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết trước khi được gửi cho nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ BHXH 1 lần.

PV: Theo ông, khi rút BHXH 01 lần, NLĐ sẽ có lợi hay thiệt thòi?

Ông Nguyễn Trọng Khương: Nhận BHXH một lần là “lợi trước mắt, hại lâu dài”. Bởi lẽ, ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của NLĐ không được bảo lưu, đồng thời các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Cụ thể khi hưởng lương hưu NLĐ được hưởng các quyền lợi:

Về lương hưu: NLĐ được hưởng tiền lương hưu hằng tháng. Mức lương hưu không phải là một mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, mà định kỳ được điều chỉnh tăng để đảm bảo giá trị.

Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn, nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Điều này cho thấy, chính sách của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.

Về quyền lợi BHYT: Người hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người nghỉ hưu là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT hộ gia đình là 80%). Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình họ. Về chế độ tử tuất: Trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: Trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.

Như vậy, có thể thấy, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi trong quá trình hưởng lương hưu. Và ngay cả khi qua đời, thân nhân của họ cũng được hưởng chế độ tử tuất, trong khi người hưởng BHXH một lần chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất và ra khỏi hệ thống BHXH đánh mất đi cơ hội được hưởng an sinh xã hội dài hạn.

PV: Xin cảm ông

BHXH là chính sách an sinh của Chính phủ nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe, đảm bảo thu nhập cho người tham gia khi không may xảy ra các biến cố do ốm đau, bệnh tật, thai sản, già yếu... Vì vậy, tùy theo tình trạng và nhu cầu cấp thiết, người lao động nên cân nhắc có nên rút BHXH một lần hay không? nếu không cấp thiết, người lao động không nên rút sớm BHXH một lần vì sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi về sau.

 

T. NGUYỆT