I. VÀI NÉT VỀ ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỈNH
1. Đặc điểm
Nằm ở trung tâm các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh về mạn nam và tây nam, nối sườn phía nam của dãy Trường Sơn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bình Dương có một vị trí chiến lược quan trọng, một vùng đệm không thể thay thế nằm trên hành lang nối Sài Gòn với các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Điều này cắt nghĩa vì sao khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Bình Dương ngay lập tức trở thành nơi đứng chân của các đơn vị vũ trang, của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Nam Bộ, Khu 7 và Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Suốt trong thời kỳ kháng chiến, Chiến khu Đ, Chiến khu An Thành - Long Nguyên là căn cứ địa, nơi lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng chủ lực đứng chân hoạt động, nơi diễn ra những chiến dịch lớn có ý nghĩa làm thay đổi cục diện chiến trường và là một hướng tiến công quan trọng của Quân giải phóng miền Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975.
Bình Dương là địa bàn tụ cư của cả nước. Đại bộ phận là nông dân (trồng trọt, chăn nuôi). Một bộ phận làm việc trong các đồn điền cao su, cơ sở công nghiệp, các cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp dịch vụ và buôn bán nhỏ trong thị xã Thủ Dầu Một và vùng giáp cận thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cộng với đặc điểm địa bàn cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh như đã nêu ở trên làm cho Bình Dương trở thành nơi đặc biệt nhạy cảm với mọi động thái về chính trị, xã hội diễn ra ở Nam Bộ, nơi sớm bắt nhịp với phong trào đấu tranh chung ở Sài Gòn. Mọi hoạt động của phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản, sự kiện khởi nghĩa Nam Kỳ và cuộc Cách mạng Tháng Tám, công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, và cuộc đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ sau năm 1975... trên địa bàn Nam Bộ đều gắn liền chặt chẽ với lịch sử đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân Bình Dương. Lịch sử hình thành, xây dựng, chiến đấu và công tác của lực lượng vũ trang Bình Dương trong 79 năm qua, vì thế, không chỉ là sự vận động tự thân mà còn chịu sự tác động, chi phối sâu sắc của lịch sử lực lượng vũ trang Nam Bộ, lực lương vũ trang cả nước.
2. Sự ra đời của lực lượng vũ trang tỉnh
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù đã có những đội tự vệ từ năm 1930, đội quân du kích từ năm 1940, những đơn vị tự vệ chiến đấu và Đoàn Thanh niên tiền phong trước và trong tổng khởi nghĩa, nhưng các đơn vị vũ trang cách mạng ở Thủ Dầu Một chỉ thực sự ra đời sau cách mạng tháng Tám thành công. Bên cạnh các đơn vị vũ trang cách mạng do Đảng Cộng sản chủ trương thành lập và lãnh đạo, còn có tổ chức vũ trang khác, thành phần hợp thành phức tạp. Cuộc kháng chiến bùng nổ, nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, lực lượng vũ trang (LLVT) của tỉnh cần được tổ chức và chỉ huy thống nhất tạo thành sức mạnh mới to lớn hơn, ngày 20/11/1945, phái viên Trung ương Nguyễn Bình đã tiến hành triệu tập Hội nghị quân sự tại An Phú Xã (Hóc Môn - Gia Định), gồm có đại diện các đơn vị vũ trang, các tổ chức quần chúng mà đại diện là mặt trận Việt minh và Đoàn thanh niên Tiền phong, đại diện tôn giáo Cao Đài, đại diện Uỷ ban nhân dân các tỉnh. Hội nghị đã đề ra nghị quyết lấy mô hình tổ chức chi đội bộ đội tập trung tại tỉnh Thủ Dầu Một đã được trình bày trước hội nghị, thống nhất tên gọi cho các đơn vị bộ đội tập trung sẽ được tổ chức lại theo mô hình là “Giải phóng quân” (như miền Bắc đã có tuyên truyền Giải phóng quân) và miền Nam đã có “Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Đức Hoà - Bà Điểm”. Thống nhất phiên hiệu chi đội theo thứ tự 1, 2, 3, 4,.. Công nhận chi đội Giải phóng quân sẽ được tổ chức ngay sau hội nghị này có phiên hiệu là “Chi đội 1 Giải phóng quân Nam Bộ” tại tỉnh Thủ Dầu Một. Thực hiện Quyết định Hội nghị quân sự tại An Phú Xã, ngày 25/11/1945, Chi đội 1 được chính thức thành lập tại xã An Sơn (quận Lái Thiêu), nay là thành phố Thuận An - Bình Dương. Quân số của Chi đội 1 lúc mới thành lập là 800 cán bộ, chiến sỹ. Vũ khí gồm 80 súng trường, 10 súng phóng lựu đạn, 1 súng máy, 100 lựu đạn, 5 súng lục và nhiều đạn dược...”
Chi đội 1 Giải phóng quân Thủ Dầu Một - tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, do Đảng tổ chức xây dựng sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, được thành lập đáp ứng nhiệm vụ tại địa phương, đã kịp thời thúc đẩy, hỗ trợ cho lực lượng dân quân, du kích ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh tổng hợp của lực lượng ba thứ quân, đánh địch trên khắp các địa bàn trong tỉnh.
II. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG CHIẾN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH
1. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)
Được sự hỗ trợ của quân Anh và trên 5.000 lính Nhật, đêm 22 rạng sáng ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào các cơ quan hành chính Nam Bộ và những cứ điểm quan trọng trong thành phố Sài Gòn, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Trước hành động tái xâm lược của thực dân Pháp và cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn, Tỉnh uỷ Thủ Dầu Một chủ trương chi viện cho mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn để góp phần ngăn chặn hành động xâm lược của địch, chuẩn bị sẵn sàng đánh địch tại chỗ. Ở các quận Châu Thành, Bến Cát, Tân Uyên…lực lượng tự vệ cơ sở và bộ đội địa phương đã tích cực luyện tập quân sự, chuẩn bị vũ khí, phương án sẵn sàng phục kích chiến đấu ngăn địch lấn chiếm.
Mặc dù vũ khí thô sơ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng với tinh thần ''quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'', các lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một đã kiên cường chống chọi với đại bác, tàu đồng của quân đội nhà nghề Pháp, góp phần kìm chân quân địch tại thành phố Sài Gòn, ngăn chặn bước chân xâm lược của kẻ thù trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho nhân dân cả nước có thời gian chuẩn bị lực lượng mọi mặt để kháng chiến. Khi cuộc kháng chiến lan rộng ra chiến trường cả nước, trong nỗ lực chống lại chính sách bình định của địch, phát triển phong trào du kích chiến tranh, xây dựng tiềm lực kháng chiến, lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Dân quân du kích phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống quân sự địa phương ra đời. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện hình thành. Một số tổ chức vũ trang có thành phần ô hợp phức tạp dần phân hóa và tan rã trước diễn biến quyết liệt của cuộc kháng chiến và nỗ lực khẳng định quyền lãnh đạo đối với lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản. Nhiều cán bộ được đào tạo tại các trường quân chính. Binh công xưởng ra đời. Trang bị vũ khí cho lực lương vũ trang tỉnh được nâng cao một bước. Đó là cơ sở để các lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một tổ chức thành công nhiều trận đánh, đặc biệt là tham gia chiến dịch Bến Cát, sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo, có hiệu quả trong chống càn quét, trong phục kích đường giao thông, trong tiến công đồn bót, cứ điểm, tháp canh (dẫn đến sự ra đời của một cách đánh và binh chủng mới: đặc công).
Bước vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong điều kiện bị địch chia cắt, phong tỏa và càn quét liên miên, lực lượng vũ trang Thủ Biên đã nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai và những lệch lạc trong thực hiện phương châm vùng kháng chiến, thực hiện công tác tôn giáo vận, giữ vững và đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh kết hợp với địch ngụy vận, không ngừng củng cố và mở rộng chiến khu Đ và các căn cứ địa khác. Tổ chức lực lượng vũ trang được sắp xếp lại theo hướng nhỏ gọn trụ bám hoạt động độc lập ở từng vùng chiến trường. Liên trung đoàn 301-310 được giải thể, tỉnh thành lập tiểu đoàn tập trung 303, mỗi huyện có 1 đại đội bộ đội địa phương, xã có trung đội dân quân du kích. Bộ đội và du kích được tổ chức huấn luyện quân sự và học tập chính trị nâng cao bản lĩnh chiến đấu, năng lực quản lý chỉ huy của cán bộ và trình độ kỹ thuật chiến đấu của chiến sĩ. Quân và dân Thủ Biên đã phối hợp với chiến trường chính góp phần vào thắng lợi chung trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ tháng 3 năm 1954 đến tháng 5 năm 1954 là: Phát huy chiến thắng từ tháng 9 năm 1953 đến tháng 3 năm 1954 các LLVT Thủ Biên đã đánh 137 trận lớn, nhỏ; diệt 1.148 tên địch, làm bị thương 194 tên, thu 186 súng các loại, phá huỷ 19 xe quân sự, đánh sập 3 lô cốt, 5 tháp canh, bức rút 5 tháp canh khác, các đội vũ trang tuyên truyền đột nhập 147 lần vào vùng tạm chiếm diệt tề, trừ gian, xây dựng cơ sở.
Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1954, Tỉnh sử dụng Tiểu đoàn 303 chủ lực của Tỉnh cùng bộ đội địa phương của huyện, dân quân du kích mở đợt hoạt động trên diện rộng tại địa bàn huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu đánh địch đột kích vào khu du kích Thái Hoà, Tân Phước, khu Thuận An Hoà; Tập kích địch tuần tiểu trên quốc lộ 13, hạ tháp canh Sở Xoài, Bình Trị…tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch càn quét vào căn cứ Vĩnh Lợi, sở Bác Vật…vang dội nhất là trận tấn công địch đóng ở bốt Cầu Định (án ngữ quốc lộ 13 cách thị xã Thủ Dầu Một 10 km về phía Bắc). Lúc 00 giờ 45 phút ngày 01 tháng 06 năm 1954 tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đại đội Com Măng-Đô 147 tên, thu 01 súng cối 60mm; 04 súng đại liên; 130 súng tiểu liên và súng trường, hơn 9 tấn đạn và nhiều đồ dùng quân sự.
Chiến thắng Cầu Định là đỉnh cao trong đợt tấn công Đông - Xuân 1953 - 1954, là sự phối hợp và phát huy chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân Thủ Biên trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
Trong trận Cầu Định lúc 00 giờ 45 phút ngày 01 tháng 06 năm 1954 đồng chí Ngô Chí Quốc - tiểu đội trưởng trinh sát đặc công tiểu đoàn 303, đã dũng cảm ôm bộc phá lao lên mở cửa, tạo điều kiện cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch. Ngô Chí Quốc anh dũng hy sinh và được truy tăng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND).
Với những thắng lợi vang dội, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã góp phần từng bước giành lại thế chủ động chiến trường, tạo thế tạo lực, tiến công địch trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
2. Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975)
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước nhu cầu bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị ở địa phương, từ năm 1956, cấp bộ Đảng ở tỉnh Thủ Dầu Một từng bước tổ chức các đơn vị vũ trang (xã, ấp có du kích, tự vệ, tỉnh có đại đội). Vừa mới ra đời, các đơn vị vũ trang nói trên đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, diệt ác trừ gian, bảo vệ cán bộ và tiến tới tổ chức những trận đánh lớn. Họ là lực lượng chủ yếu làm nên những thắng lợi quân sự ở Bến Củi, Minh Thạnh, Dầu Tiếng và cao trào đồng khởi năm 1960. Khi cách mạng miền Nam chuyển sang thời kỳ chiến tranh cách mạng, hoạt động xây dựng lực lượng vũ trang được đẩy mạnh hơn. Căn cứ Chiến khu Đ tái thành lập. Tổ chức Đảng và hệ thống quân sự xuyên suốt từ trên xuống dưới. Hệ thống dân quân du kích phát triển, các huyện củng cố và xây dựng bộ đội địa phương huyện, tỉnh xây dựng Tiểu đoàn Phú Lợi. Chất lượng lực lượng vũ trang phát triển một bước căn bản. LLVT ba cấp (tỉnh, huyện, xã) hình thành và trở thành nòng cốt trong phong trào đấu tranh làm phá sản các chiến thuật thiết xa vận, trực thăng vận, quốc sách ''ấp chiến lược'' của địch, làm nên các sự kiện quân sự vang dội mà chiến thắng Phước Thành là một ví dụ.
Từ giữa năm 1965, Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam, đổ quân ở Lai Khê, Phú Lợi và nhiều vị trí khác. So sánh lực lượng địch, ta tại Thủ Dầu Một thay đổi đột ngột. Phong trào đấu tranh chính trị phát triển, căn cứ giải phóng được mở rộng, hành lang chiến lược được hình thành, sự chi viện của miền Bắc ngày một nhiều, tất cả những yếu tố đó tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một. Bộ đội địa phương của tỉnh, huyện và dân quân du kích xã được chú ý tăng cường về chất lượng. Trang bị vũ khí có bước tiến bộ mới. Đây là giai đoạn đánh dấu sự hoàn chỉnh về tổ chức và trang bị của lực lương vũ trang trong tỉnh, giai đoạn phát triển phương thức tiến công địch bằng hai chân, ba mũi, ba vùng, với những chiến thắng Đất Cuốc, Đồng Xoài, Bông Trang, Nhà Đỏ, Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Chiến khu Đ… Trước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tập trung bình định nông thôn, tìm diệt lực lượng vũ trang, lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một phải tiến hành xây dựng trong điều kiện tác chiến liên tục: đánh trả sự phản công ào ạt của địch, tham gia đòn tiến công chiến lược năm 1972. Đây là thời kỳ lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một vừa chiến đấu vừa xây dựng với nhịp độ khẩn trương và gay go nhất. Bộ đội địa phương, dân quân du kích kiên cường bám trụ chiến đấu, khôi phục thế chiến tranh nhân dân.
Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhờ có sự chi viện của trên, bộ đội địa phương của tỉnh, huyện tăng gấp đôi quân số so với cuối năm 1972. Lực lượng dân quân du kích cũng phát triển lên một bước mới, kịp thời chuyển sang tiến công giành thế chủ động, giải phóng từng vùng, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri và rút quân Mỹ về nước, chuẩn bị địa bàn, tạo điều kiện và phối hợp cùng các binh đoàn chủ lực tiến công giải phóng quê hương Thủ Dầu Một, giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam.
3. Thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng vũ trang Sông Bé đã nhanh chóng bắt tay thực hiện nhiệm vụ mới: tiếp quản, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng vừa giành được; đồng thời sắp xếp lại lực lượng cho phù hợp với hoàn cảnh thời bình, giải quyết chính sách và thực hiện công tác hậu phương quân đội thời hậu chiến, tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, làm kinh tế, góp phần xây dựng lại quê hương sau 30 năm bị chiến tranh tàn phá.
Khi tập đoàn phản động Pôn-Pốt phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, lực lượng vũ trang Sông Bé đã vừa củng cố phát triển, bổ sung trang bị và huấn luyện, vừa tổ chức các đơn vị lên biên giới tham gia chiến đấu, thực hành phản công và tiến công, đuổi địch về bên kia biên giới, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, một mặt lực lượng vũ trang tỉnh đã có những đóng góp to lớn cả sức người lẫn sức của phục vụ cho chiến trường biên giới, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; mặt khác, vừa thực hiện các công tác quân sự địa phương và hậu phương quân sự, tiến hành truy quét, ngăn chặn và đập tan mọi âm mưu, hoạt động của các tổ chức phản động nhen nhóm. Đảm bảo xây dựng hậu phương vững chắc, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.
Thực hiện Hiệp ước hòa bình và hợp tác toàn diện giữa chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia, lực lượng vũ trang tỉnh đã cử các đơn vị sang đất nước Chùa Tháp làm nhiệm vụ quốc tế, phối hợp truy quét tàn quân địch, cứu đói, cứu đau, giúp nhân dân khắc phục hậu quả nạn diệt chủng, xây dựng lại đất nước, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng. Trong những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã để lại ấn tượng sâu sắc, tình cảm nghĩa tình, sâu nặng trong lòng nhân dân nước bạn Cam-pu-chia, đó là sự thể hiện sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế trong sáng mà nhân dân ta luôn dày công vun đắp.
Hiện nay, trong thời kỳ đất nước đổi mới, thực hiện chủ trương của Đảng và việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, theo phương châm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng thế trận phòng thủ toàn dân. Trong những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh đã không ngừng phát triển cả về mặt chất và lượng, hoàn thành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân từng bước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
4. Kiện toàn lực lượng trong tổ chức hành chính mới và tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện (1997 - 2020)
Ngày 6/11/1996, Quộc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã phê chuẩn Nghị quyết tách tỉnh và thành lập một số tỉnh mới trong cả nước. Theo đó, tỉnh Sông Bé được tách làm hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tổ chức hành chính tỉnh Bình Dương chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997.
Ngày 16/12/1996, Thường vụ tỉnh Sông Bé ra Nghị quyết số 06/NQ-TU về việc tổ chức bộ máy chính quyền và sắp xếp đội ngũ cán bộ từ cấp cơ sở đến các cơ quan Đảng, đoàn thể, quốc phòng - an ninh. Sau khi hoàn tất công việc tách tỉnh, Đảng ủy bộ - LLVT tỉnh đã kế thừa và phát huy truyền thống hơn 50 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trong nhưng năm qua LLVT tỉnh luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Làm nòng cốt trong phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân tỉnh và cấp ủy địa phương các cấp chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh và các huyện, thị, thành phố vững chắc; phối hợp với các cơ quan, đơn vị giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; luôn hoàn thành tốt công tác gọi công dân nhập ngũ, hằng năm tỉ lệ đảng viên, chất lượng chính trị, trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học của thanh niên luôn vượt và đạt chỉ tiêu.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác Đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; chăm lo xây dựng tổ chức đảng, tổ chức quần chúng vững mạnh, tạo nền tảng để tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng trong LLVT tỉnh. Năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính sách hậu phương Quân đội, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, như: xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội; phụng dưỡng “Mẹ Việt Nam anh hùng”; thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tu sửa nâng cấp nghĩa trang, chăm sóc phần mộ liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được tiến hành tích cực, hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu luôn được các cơ quan, đơn vị hết sức quan tâm, huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với sẵn sàng chiến đấu. Nhiều nội dung mới về huấn luyện chiến đấu được triển khai tích cực; tổ chức tốt các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ các cấp. Chất lượng huấn luyện của từng bước được nâng lên; bảo đảm tốt khả năng cơ động, năng lực ứng phó với các tình huống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Công tác hậu cần, tài chính ngày càng đi vào nền nếp; đầu tư xây dựng cơ bản gắn với yêu cầu xây dựng doanh trại, kho tàng chính quy, thống nhất. Tăng gia, sản xuất chuyển biến cả về ý thức, trách nhiệm và hiệu quả; chương trình “Quân, dân y kết hợp” được các đơn vị triển khai tích cực, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân. Ngành Kỹ thuật đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ cả trong sửa chữa, bảo dưỡng, giữ vững và nâng cao hệ số kỹ thuật của vũ khí, trang bị. Công tác nghiên cứu trang bị, thiết bị, học cụ huấn luyện được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, SSCĐ và bảo đảm đời sống của bộ đội. Thực hiện tốt việc xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội và cải cách hành chính quân sự. Đạt được những kết quả trên là sự không ngừng cô gắng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh luôn phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện, Đảng bộ Quân sự tỉnh trong sạch vững mạnh.
III. TRUYỀN THỐNG VẺ VANG
Qua 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, được nhân dân hết lòng thương yêu, nuôi dưỡng, đùm bọc, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và lập được nhiều thành tích vẻ vang xây đắp nên truyền thống “Trung dũng, kiên cường - Chủ động, sáng tạo - Đoàn kết, quyết thắng”, góp phần nên truyền thống vẻ vang “Trung thành, vô hạn - Chủ động, sáng tạo - Tự lực, tự cường - Đoàn kết, quyết thắng” của LLVT Quân khu 7.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, cùng với quân - dân cả nước, quân và dân Bình Dương đã anh dũng vượt qua những năm tháng vô cùng gian khổ, ác liệt, một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH và hạnh phúc của nhân dân, những người con thân yêu của tỉnh nhà đã lên đường tham gia kháng chiến, vào sống ra chết không nản nguy. Được hình thành ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lực lượng vũ trang tỉnh luôn tỏ rõ sức mạnh, ý chí và bản lĩnh của mình. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng, củng cố phát triển lực lượng. Dù khó khăn, gian khổ nhưng lực lượng vũ trang tỉnh đã đoàn kết, anh dũng, kiên cường bám trụ; chủ động, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng từng bước đẩy lùi và đánh bại các kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, bức rút, bức hàng toàn bộ căn cứ quân sự, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch trên địa bàn, giành lại chính quyền về tay nhân dân, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh cũng như toàn miền Nam. Những trận đánh, những địa danh, những tên đất, tên làng, như: chiến khu Đ, Thủ Biên - Tam Giác Sắt, Bàu Bàng, Đất Cuốc, Bông Trang - Nhà đỏ, Lò Gạch, Tháp canh - Cầu Bà Kiên, Long Nguyên - Bến Cát, Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một, Phước Thành, Lai Khê, Bàu Cá Trê…cùng các đơn vị Tiểu đoàn 1 Phú Lợi, Đội du kích nữ Bến Cát…đã được ghi vào lịch sử như những dấu ấn không bao giờ phai, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quân - dân Bình Dương.
- Ngày 13/10/2009 của Chính ủy Quân khu 7 đã ký Quyết định số 1382/QĐ-BTL về việc công nhận ngày 25 tháng 11 năm 1945 là Ngày truyền thống của lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương và Quyết định số 1593/QĐ-BTL ngày 28/10/2010 về việc công nhận câu đúc kết truyền thống của lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương là “Trung dũng, kiên cường - Chủ động, sáng tạo - Đoàn kết, quyết thắng”.
1. Trung dũng, kiên cường
Được hình thành ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lực lượng vũ trang tỉnh luôn phát huy sức mạnh, ý chí và bản lĩnh của mình với vũ khí chủ yếu là thô sơ như dao, mác, tầm vông vót nhọn, LLVT tỉnh luôn quán triệt nghiêm túc, chặt chẽ chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Quân ủy và cấp ủy các cấp vừa chiến đấu, vừa xây dựng, củng cố phát triển lực lượng. Trong kháng chiến chống Pháp, các đơn vị tự vệ luôn xây dựng ý chí chiến đấu dám đánh và đánh thắng cùng diệt ác phá kềm, tiêu biểu như tự vệ đồn điền cao su Dầu Tiếng, Phước Hòa, Tiểu đội du kích Thanh Tuyền hay các trận đánh đã tô thắm lịch sử hào hùng của LLVT tỉnh Bình Dương như phục kích Cầu Cây Cui (xã An Sơn, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một) của Trung đội A, Đại đội 1, Chi đội 1 ngày 12/7/1947.
Trong những năm tháng đánh Mỹ ác liệt, bên cạnh Tiểu đoàn Phú Lợi – đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của tỉnh, bộ đội địa phương ở huyện đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bẻ gãy hàng trăm cuộc càn quét lớn, nhỏ của địch và tiến công thắng lợi liên tục, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả nước. Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng chúng ta luôn tự hào về một Chiến khu Đ lừng lẫy, một Tam Giác Sắt kiên trung, những Phước Thành, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bông Trang, Lò Gạch…là nơi vùi thây quân giặc - nỗi khiếp sợ của quân thù.
Tinh thần trung dũng, ý chí kiên cường còn được thể hiện rõ nét trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia; cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã trải qua những ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt nhiều tổn thất hy sinh, khi chiến tranh biên giới nổ ra. Vượt lên tất cả mọi khó khăn, mất mát, chúng ta đã anh dũng chiến đấu góp phần cùng LLVT Quân khu giải phóng một vùng rộng lớn 3 huyện Tà Nung, Mimot, Snoul của tỉnh Karatie, mở ra vùng giải phóng đầu tiên để Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia thành lập, đồng thời trực tiếp lãnh đạo nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn pốt- Iêng xa ri.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, LLVT tỉnh Bình Dương luôn quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng các cấp; nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ QS, QP. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu Tỉnh ủy - UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ (KVPT) đi vào chiều sâu, ngày càng vững chắc; chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng, nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, giáo dục quốc phòng an ninh (QP&AN). Tập trung xây dựng Đảng bộ Quân sự tỉnh là một khối thống nhất về ý chí, hành động, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; LLVT tỉnh có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao; thực sự là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
2. Chủ động, sáng tạo
Cũng từ đặc điểm chiến trường ở xa Trung ương nên để kịp thời tiến hành chiến đấu thắng lợi, quân dân tỉnh Bình Dương đã viết nên nét truyền thống tiêu biểu “Chủ động, sáng tạo” vừa chiến đấu, vừa xây dựng, củng cố phát triển lực lượng, khi mới ra đời với lực lượng mỏng, vũ khí trang bị thô sơ, LLVT tỉnh đã tự trang bị vũ khí với cách làm sáng tạo như tổ chức sưu tầm các kim loại phế phẩm (sắt, đồng, nhôm…) hoặc thành phẩm (vỏ đạn cũ, đầu đạn súng cối, đạn pháo lựu, đạn không nổ…) thu gom bom, pháo lép chuyển vật liệu cho Công binh xưởng sản xuất hàng ngàn các loại vũ khí tự tạo (lựu đạn, mìn, đạn rờ sạc, súng hư sửa lại). Bên cạnh đó, LLVT tỉnh trong chiến đấu còn thu giữ vũ khí, trang bị của địch làm vũ khí chiến đấu điển hình là trận giao thông chiến ở Bến Ông Khương của Chi đội 1 vào ngày 03/10/1947, đánh đoàn tàu xe lửa từ Sài Gòn qua Thủ Dầu Một lên Lộc Ninh, lực lượng Chi đội 1 tổ chức phục kích ở khu vực Nhíp 27 đánh diệt hoàn toàn 8 toa tàu địch, thu được 1 trung liên, 15 súng trường và tiểu liên, 1 thùng lựu đạn và hơn 10.000 viên đạn cùng một số hàng hóa khác.
Quá trình xây dựng và chiến đấu, LLVT tỉnh đã chủ động, sáng tạo, tìm ra những cách đánh hiệu quả tiêu diệt kẻ thù, điển hình vào năm 1950 chẳng những đánh đấu một bước tiến mới về xây dựng lực lượng mà còn là sự áp dụng thành công chiến thuật đánh phá hàng loạt các tháp canh, phá âm mưu chia chiến trường của địch. Đêm 22/3/1950, 50 tổ chiến đấu mang 50 trái FT và bình điện đánh đồng loạt 50 tháp canh trên các tuyến đường giao thông. Toàn bộ quân địch trong 50 tháp canh bị diệt, trừ vài tên sống sót trên tháp canh có chòi cao. Bộ Chỉ huy Nam Đông Dương của Pháp hốt hoảng trước sự phá vỡ từng mảng hệ thống tháp canh, Viên Tư lệnh Pháp ở Nam Đông Dương đích thân đến chứng kiến cảnh thảm bại và trấn an binh lính. Trận đánh thành công là tiền đề để cách đánh đặc công ra đời, là nỗi khiếp sợ của quân thù.
Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế với muôn vàn khó khăn gian khổ, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn chủ động, tự bảo đảm lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị không trông chờ, ỷ lại cấp trên, trong từng trận đánh luôn phát huy trí tuệ tập thể, cán bộ chiến sĩ đóng góp những phương án, cách đánh hiệu quả cao nhất, giảm ít nhất thương vong, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn kế thừa tinh thần chủ động, sáng tạo trong mọi công việc, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được nhân rộng như: xây dựng điểm căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật của tỉnh cho toàn quân tham quan, học tập, mô hình Đại đội Dân quân thường trực tập trung và nhiều cách làm hay, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng bộ, LLVT tỉnh vững mạnh.
3. Đoàn kết, quyết thắng
Đoàn kết là một truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Thực hiện lời dạy của Người: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng” (Tại Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Đường 18, năm 1951).
Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc và thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT tỉnh, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết cán-binh luôn được các thế hệ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội học tập, quán triệt, vận dụng trong thực tiễn tạo nên truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cán bộ với chiến sĩ 75 năm qua. Mối quan hệ đoàn kết cán-binh được quy định trong hệ thống điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội, các quy chế, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, được cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp quán triệt, cụ thể hóa thành các quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện trong thực tế.
Hiện nay, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó một số đơn vị, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình an ninh thế giới, khu vực và trong nước, nhất là những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, hòng chia rẽ Đảng với quân đội, quân đội với nhân dân… cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc củng cố mối quan hệ đoàn kết cán-binh, góp phần xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh về chính trị, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải luôn là hạt nhân đoàn kết, thống nhất; kiên quyết chống biểu hiện xa rời cấp dưới, quan liêu, hách dịch, vô cảm… thật sự làm cho cấp dưới kính trọng, tin tưởng, học tập và noi theo, góp phần giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, một nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
IV. NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Năm 1978, LLVT tỉnh đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (AH LLVTND); năm 1985, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh vì có nhiều công lao, thành tích trọng sự nghiệp cách mạng, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; năm 1990, được Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhất vì có thành tích xuất sắc trong tổng kết 15 năm xây dựng khu vực phòng thủ (1975 - 1990); năm 2010 tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2000-2010 (Quyết định Số 2041/QĐ-CTN, ngày 23/11/2010 của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam); năm 2015 được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2010-2015 (Quyết định Số 4132/QĐ-CTN, ngày 5/11/2015, của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam); năm 2021 được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2016-2021 (Quyết định Số 2340/QĐ-CTN, ngày 15/12/2021, của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Hiện nay trong toàn tỉnh vinh dự có 71 tập thể, 41 cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu AH LLVTND…cùng nhiều thành tích tiêu biểu khác./.
Đánh giá bài viết:
-
Cô Phạm Thị Tiền – người cán bộ tận tâm với công tác khuyến học
08:43 20-11-2024 -
Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu phố Rạch Bắp, phường An Tây
08:21 16-11-2024 -
Tập huấn chính sách, pháp luật về hỗ trợ cai nghiện ma túy và công tác phòng, chống mại dâm
03:20 14-11-2024 -
Đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân trên địa bàn phường Mỹ Phước.
08:15 12-11-2024 -
Lễ phát động hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam (9/11)
10:10 09-11-2024